Cơ chế chụp PET
Dược chất phóng xạ được sử dụng phổ biến nhất trong chụp PET hiện nay là FDG (18F-2-fluoro-2-deoxy-D-glucose), một chất có cấu trúc tương tự như glucose (thay nguyên tử hydro ở vị trí số 2 của glucose bằng 18F). FDG được vận chuyển vào tế bào qua các chất vận chuyển glucose ở màng. Khi vào trong tế bào, FDG được phosphoryl hóa trở thành FDG-6-phosphate và bị tích lũy trong tế bào do không được chuyển hóa tiếp tục hay dự trữ dưới dạng glycogen như glucose.
Cấu trúc phân tử FDG
Cơ chế bắt giữ FDG ở tế bào ung thư
PET/CT là phương pháp chẩn đoán có giá trị và hiệu quả, được ứng dụng ngày càng phổ biến trong thực hành lâm sàng đặc biệt trong các chuyên ngành ung thư, tim mạch và thần kinh. Các nghiên cứu cho thấy PET đã làm thay đổi quyết định điều trị ở trên 30% bệnh nhân ung thư. Các chỉ định cụ thể của PET/CT được liệt kê ở bảng sau:
Chuyên ngành |
Chỉ định cụ thể |
1. Ung thư |
- Phát hiện, xác định vị trí và đánh giá giai đoạn của ung thư nguyên phát, di căn và/hoặc tái phát
- Chẩn đoán phân biệt giữa khối u lành tính với ác tính (phổi, xương, tuyến thượng thận,…)
- Đánh giá giai đoạn các bệnh nhân ung thư
- Định vị tổn thương cho sinh thiết hoặc điều trị tia xạ
- Phân biệt giữa bệnh lý ác tính tái phát với các biến đổi sau điều trị
- Đánh giá hiệu quả điều trị ung thư, đánh giá lại giai đoạn sau điều trị
- Phát hiện bệnh nguyên phát khi có di căn không rõ nguồn gốc
- Đánh giá khi các dấu ấn ung thư tăng cao hoặc có các triệu chứng nghi ngờ
- Phân loại các khối u não ác tính và các u não khác
- Đánh giá tổn thương trong bệnh đa u tủy
- Đánh giá các bất thường phát hiện được trên các phương tiện chẩn đoán khác |
2. Tim mạch |
- Chụp tưới máu: ở các bệnh nhân không thể gắng sức thể lực khi kết quả chụp SPECT xạ hình tưới máu cơ tim trước đó không rõ
- Đánh giá bệnh động mạch vành ở các bệnh nhân có hoặc không có triệu chứng bao gồm cả những bệnh nhân có bệnh ba mạch
- Đánh giá hẹp động mạch vành có ý nghĩa sinh lý để can thiệp tái tưới máu
- Lựa chọn phương pháp điều trị cho các bệnh nhân có bệnh tim thiếu máu cục bộ và/hoặc suy tim xung huyết
- Chẩn đoán phân biệt giữa cơ tim còn sống và sẹo cơ tim sau nhồi máu
- Đánh giá tiến triển hoặc thoái triển của bệnh động mạch vành sau khi đã điều trị các yếu tố nguy cơ
- Đánh giá rối loạn vi mạch
- Định lượng lưu lượng dòng máu đến cơ tim |
3. Thần kinh |
- Đánh giá trước phẫu thuật các rối loạn co giật kháng trị
- Định vị ổ gây co giật động kinh
- Phân biệt giữa bệnh Alzheimer với sa sút trí tuệ do tổn thương vùng trán – thái dương và các loại sa sút trí tuệ khác (do bệnh Parkinson, bệnh Huntington) |
Dưới đây là một số hình ảnh PET/CT của bệnh nhân:
Hình ảnh PET/CT của bệnh nhân ung thư phổi di căn gan
Hình ảnh PET/CT của bệnh nhân ung thư phổi di căn hạch trung thất, hạch vú trong và di căn cột sống
Hệ thống PET/CT
BS. Bùi Quang Biểu
Khoa Y học Hạt Nhân
Bệnh viện Trung Ương Quân Đội 108
|