Người ta phân loại phình động mạch chủ thành phình động mạch chủ ngực và phình động mạch chủ bụng. Khối phình mạch có thể lệch về một hướng hoặc phình đều ra mọi hướng xung quanh. Trong trường hợp phình tách động mạch chủ, do lớp áo trong của động mạch bị tách rời ra khỏi các lớp áo ngoài, máu sẽ tràn vào giữa các lớp áo làm thành mạch phình to ra và có nguy cơ bị vỡ. Lưu lượng máu cung cấp cho các cơ quan (ví dụ: thận) có thể bị giảm sút đáng kể do lỗ vào của động mạch nuôi dưỡng cơ quan đó bị chẹn hẹp lại.
Đối tượng mắc bệnh
Phình động mạch chủ xảy ra ở những người bị chứng xơ vữa động mạch. Yếu tố thuận lợi thường thấy là tăng huyết áp. Phình tách động mạch chủ có thể gặp ở những người mắc hội chứng Marfan và đôi khi do các nguyên nhân bẩm sinh khác. Mặc dù phình mạch cũng có thể gặp ở động mạch các chi nhưng hiếm hơn và không gây đe doạ tính mạng như phình động mạch chủ.
Triệu chứng
Phình mạch thường không gây ra triệu chứng cơ năng và chỉ được phát hiện khi thăm khám. Phình động mạch chủ đoạn ngực đôi khi có biểu hiện đau ngực. Trong trường hợp phình tách, triệu chứng đau ngực sẽ giống như trong nhồi máu cơ tim, đau dữ dội và hay lan ra sau lưng, người bệnh có thể bị choáng, ngất. Phình động mạch chủ đoạn bụng có thể biểu hiện bởi một khối mềm, khi sờ thấy đập ngay dưới da.
Chẩn đoán
Phình động mạch chủ nhìn chung khó chẩn đoán vì đa số không gây triệu chứng cho đến khi có biến chứng tách thành hoặc vỡ. Kiểm tra X quang ngực định kì có thể giúp phát hiện khối phình mạch ở vị trí này. Khối phình động mạch chủ bụng cũng có thể được phát hiện khi khám bụng và kiểm tra X quang. Siêu âm, CT scanner và chụp cộng hưởng từ (MRI) là những thăm dò quan trọng, cho phép xác định vị trí cũng như kích thước khối phình mạch. Chẩn đoán khối phình mạch ở não thường khó và chỉ thực hiện được bằng các thăm dò đặc biệt.
Điều trị
Sử dụng một số thuốc khống chế huyết áp làm giảm nguy cơ vỡ khối phình mạch. Phình động mạch chủ bụng lớn hoặc đang tiến triển về kích thước cần được xử trí bằng ngoại khoa. Phình động mạch chủ đoạn ngực nên được cân nhắc kỹ khả năng phẫu thuật. Khi khối phình bị tách thành hoặc vỡ đòi hỏi phải phẫu thuật cấp cứu.
Biến chứng
Khối phình mạch lớn có thể gây chèn ép và làm tổn thương các mạch máu, thần kinh lân cận. Phình động mạch chủ cũng có thể gây ra tình trạng rối loạn tưới máu khu vực và làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối. Cục huyết khối khi bị tách rời trôi theo dòng máu sẽ gây tắc mạch tổn thương các cơ quan hoặc đột quỵ. Khi phình mạch bị nứt hoặc vỡ sẽ gây xuất huyết và giảm sút máu cung cấp cho các mô. Vỡ phình động mạch chủ lớn thường gây truỵ tim mạch và tử vong nếu không xử trí kịp thời.
Dự phòng
Các trường hợp phình mạch do nguyên nhân bẩm sinh không thể dự phòng được. Một lối sống lành mạnh (ăn ít chất béo, luyện tập thể lực thường xuyên, không hút thuốc lá) có thể giúp ngăn ngừa hoặc làm chậm quá trình tiến triển xơ vữa động mạch. Tăng huyết áp cần được kiểm soát chặt chẽ để phòng ngừa sự hình thành và phát triển của các khối phình mạch.
Ths. Phan Đình Phong
Photo: www.upmc.com
|