Hình ảnh Xquang tim phổi, điện tim, siêu âm tim, thông tim của bệnh nhân hẹp van hai lá (Photo: ncbi.nlm.nih.gov)
Đối tượng mắc bệnh
Phần lớn hẹp hai lá là do thấp tim, chỉ có một số rất ít trường hợp hẹp hai lá bẩm sinh. Mặc dù nguyên nhân chủ yếu của hở van ha lá cũng là thấp tim nhưng hở hai lá còn có thể gặp trong nhiều bệnh lý khác như san van hai lá, nhồi máu cơ tim (khi mà phần cơ tim có cấu trúc van bám vào bị thương tổn do nhồi máu).
Triệu chứng
Bệnh van hai lá có thể diễn biến tiềm tàng trong nhiều năm mà không gây triệu chứng. Tuy nhiên trong thời gian đó, chức năng của tim bị sút giảm do gánh nặng gia tăng đối với các buồng tim. Hiện tượng xung huyết ở phổi có thể gây khó thở nhất là khi gắng sức hoặc khi nằm đầu bằng trên giường. Tăng áp lực phổi thường dẫn tới triệu chứng ho kéo dài. Cả hẹp và hở van hai lá đều gây mệt mỏi và có thể phù quanh mắt cá chân. Đôi khi mệt mỏi là dấu hiệu duy nhất của suy tim do tổn thương van hai lá.
Chẩn đoán
Bệnh van hai lá được phát hiện thông qua thăm khám lâm sàng. X quang tim phổi, điện tâm đồ và siêu âm tim giúp khẳng định chẩn đoán đồng thời cho phép đánh giá kích thước tim và giúp xác định chính xác các tổn thương ở van tim. Trong một số trường hợp, thông tim được chỉ định cho việc chẩn đoán chính xác.
Điều trị
Bệnh van hai lá chưa xuất hiện triệu chứng không cần phải điều trị. Cần dùng kháng sinh trước các thủ thuật răng miệng hoặc phẫu thuật để dự phòng viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn. Nếu xuất hiện rối loạn nhịp tim chẳng hạn như rung nhĩ, cần dùng thuốc chống đông để phòng ngừa huyết khối hình thành trong các buồng tim. Đối với trường hợp hẹp van hai lá đã xuất hiện rung nhĩ, thuốc chẹn thụ thể bêta giao cảm, digitalis hay quinidine có thể được sử dụng để làm chậm nhịp tim hoặc duy trì nhịp tim bình thường. Thuốc lợi tiểu giúp cải thiện triệu chứng khó thở do làm giảm lượng dịch ứ trệ trong cơ thể. Các thuốc “giảm hậu gánh” rất hiệu quả trong việc cải thiện các triệu chứng của hở van hai lá. Nếu các triệu chứng không được cải thiện khi điều trị bằng thuốc, phẫu thuật có thể được chỉ định để tách rộng mép van, sửa van hoặc thay van tim đã bị tổn thương nặng.
Biến chứng
Bệnh van hai lá đi kèm với nguy cơ suy tim và viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn. Biến chứng lâu dài của cả hẹp và hở van hai lá là gây rung nhĩ, rung nhĩ làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trong tâm nhĩ. Cục máu đông có thể bị tách ra, trôi theo dòng máu gây tắc mạch ở những nơi khác đặc biệt là não.
Dự phòng
Phòng thấp tim bằng việc điều trị sớm các nhiễm khuẩn họng do liên cầu gây ra là biện pháp cơ bản. Nếu bệnh van tim đã xuất hiện, cần dùng kháng sinh trước các thủ thuật răng miệng hoặc phẫu thuật để dự phòng viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn.
Ths. Phan Đình Phong
|