Theo WHO, bệnh cơ tim có hai loại: ngoại sinh (extrinsic cardiomyopathies) và nội sinh (intrinsic cardiomyopathies). Bệnh cơ tim ngoại sinh là bệnh lý của cơ tim gây ra do những nguyên nhân bên ngoài cơ tim gây ra mà thiếu máu cơ tim do bệnh động mạch vành là nguyên nhân quan trọng nhất. Bên cạnh đó còn có các nguyên nhân khác như bệnh van tim, bệnh tăng huyết áp, bệnh tim bẩm sinh, bệnh dinh dưỡng, tiểu đường và các rối loạn chuyển hóa khác… Bệnh cơ tim nội sinh là loại bệnh mà không xác định được nguyên nhân do các bệnh ngoài tim gây ra. Một số yếu tố nguyên nhân được đề cập đó là do nhiễm độc thuốc hoặc rượu, nhiễm trùng hoặc siêu vi (bao gồm cả virus viêm gan C), di truyền hoặc nguyên phát. Một số loại bệnh cơ tim nội sinh hay được nhắc đến trên lâm sàng đó là bệnh cơ tim giãn, bệnh cơ tim phì đại (tắc nghẽn hoặc không tắc nghẽn), bệnh cơ tim thất phải gây loạn nhịp và bệnh cơ tim hạn chế. Bệnh cơ tim thường được phát hiện tình cờ trong lần thăm khám sức khỏe thường quy . Thăm khám lâm sàng hầu như không có gì đặc biệt ngoài ngoài một số triệu chứng không đặc hiệu: nhịp tim có thể nhanh hoặc huyết áp có thể tăng nhẹ. Một số có cảm giác đau đầu, mệt mỏi, ngủ nhiều, chóng mặt, mắt nhìn mờ hoặc có cảm giác nóng mặt. Tuy nhiên cũng có nhiều bệnh nhân nhập viện vì khó thở nhiều (mà thường nhầm với bệnh phế quản phổi tắc nghẽn mạn tính) hoặc các dấu hiệu lâm sàng đầy đủ của hội chứng suy tim toàn bộ (khó thở, phù hai chi dưới, gan to, tĩnh mạch cổ nổi và suy chức năng của các cơ quan khác như gan và thận). Hỏi bệnh, thăm khám lâm sàng tỉ mỉ và làm siêu âm Doppler tim sẽ giúp chẩn đoán xác định. Điều trị tùy theo loại bệnh cơ tim, có thể phối hợp thuốc (trợ tim, lợi tiểu, thuốc ức chế men chuyển dạng angiotensin II, thuốc chẹn bê ta giao cảm) và và cấy máy tạo nhịp tim (có hoặc không kèm theo thiết bị chống rung tự động) nhằm cải thiện chức năng tim và chống loạn nhịp, tạo hình thất trái đối với thể bệnh cơ tim tắc nghẽn (bằng tim mạch can thiệp hoặc phẫu thuật). Tùy theo từng trường hợp có thể chỉ định thay tim hoặc điều trị bằng phương pháp sử dụng tế bào gốc (stem cell therapy).
TS. Tạ Mạnh Cường |